Đau cột sống thắt lưng không chỉ là căn bệnh xảy ra ở độ tuổi trung niên mà tỷ lệ mắc bệnh ngày càng trẻ hóa, đặc biệt là với dân văn phòng. Vậy, tình trạng đau cột sống thắt lưng ở người trẻ có nguy hiểm không, thói quen xấu nào gây ra tình trạng này và cách phòng ngừa hiệu quả nhất?
Mục lục
Đau cột sống thắt lưng ở người trẻ có nguy hiểm không?
Tình trạng đau cột sống thắt lưng ở người trẻ sẽ khiến cho người bệnh không thể di chuyển hay vận động thoải mái được, bị giới hạn trong các động tác khi thực hiện, làm ảnh hưởng đến những sinh hoạt thường ngày.
Những cơn đau xuất hiện đột ngột ở vùng thắt lưng, đôi khi lan xuống phía dưới gần sát mông, đặc biệt là vào ban đêm gây khó ngủ. Nếu kéo dài có thể gây ra biến chứng khiến cột sống bị cong vẹo, cơ thể không thể đứng thẳng được. Người bệnh sẽ rất khó tập trung cho công việc, bị giảm trí nhớ đi đáng kể.
Người bệnh thường chủ quan vào sức khỏe của bản thân do tuổi đời còn trẻ nên đánh giá sai lệch tình trạng bệnh, lạm dụng các loại thuốc giảm đau không rõ nguồn gốc, không có sự chỉ định của bác sĩ khiến cơn đau ngày càng nặng, gây sút cân, tâm trạng buồn bực, chán nản, làm ảnh hưởng xấu đến hiệu quả công việc.
Nếu để tình trạng đau cột sống thắt lưng ở người trẻ kéo dài và không thăm khám kịp thời thì bệnh sẽ tiến triển gây ra các biến chứng nguy hiểm khó lường như tê bì chân tay, đau nhức triền miên, rối loạn cảm giác, ảnh hưởng đến đời sống tình dục, yếu liệt cơ các chi, giảm khả năng vận động, nguy hiểm hơn là gây teo cơ, bại liệt, rối loạn hệ bài tiết.
9 thói quen gây đau lưng ở người trẻ tuổi
1/ Kê gối nằm quá cao
Nhiều người thích kê gối cao khi nằm trên giường xem phim, bấm điện thoại hay đi ngủ. Thói quen tưởng chừng như đơn giản, tiện lợi này lại gây ra những tác hại không ngờ. Bởi tư thế này duy trì lâu dài sẽ làm ảnh hưởng đến cấu trúc xương ở vùng cổ, vai và lưng, lâu dần sẽ gây đau nhức ở vai và cột sống thắt lưng.
2/ Nằm trên đệm quá mềm hoặc quá cứng
Việc nằm trên một chiếc đệm quá mềm sẽ khiến cơ thể bị lún sâu, cột sống bị uốn cong, lâu ngày sẽ dẫn đến tình trạng đau lưng, thậm chí là thoát vị đĩa đệm. Tương tự, khi nằm trên đệm quá cứng cũng khiến cột sống chịu áp lực lớn, không được nâng đỡ, gây nên cảm giác khó chịu và nhức mỏi thường xuyên hơn.
3/ Ngồi lâu trong một tư thế
Dân văn phòng thường mắc thói quen xấu đó chính là ngồi làm việc ít thay đổi tư thế, ngồi còng lưng, tạo áp lực lên cột sống và xương khớp, khiến cho các dây chằng và đĩa đệm bị chèn ép, cơ bắp bị co cứng, cản trở máu huyết lưu thông, gây đau nhức cột sống thắt lưng.
4/ Thường xuyên đi giày cao gót
Các chị em phụ nữ thường ưa chuộng mang giày cao gót bởi sẽ tôn lên vóc dáng và trở nên tự tin hơn trong giao tiếp. Tuy nhiên, việc mang giày cao gót quá thường xuyên sẽ khiến cơ thể có xu hướng cúi người về phía trước, dồn trọng lực xuống chân và làm ảnh hưởng xấu đến cột sống.
5/ Mặc quần áo bó sát
Những chiếc đầm hay quần jean bó sát giúp tôn lên đường cong quyến rũ trên cơ thể của các chị em văn phòng. Tuy nhiên, chính điều này làm hạn chế việc di chuyển, cản trở máu huyết lưu thông, dẫn đến cơ lưng bị căng cứng và gây cảm giác đau nhức lưng.
6/ Ngồi vắt chéo chân
Một thói quen nữa của các chị em cũng rất có hại cho cột sống thắt lưng đó chính là thường xuyên ngồi vắt chéo chân. Tư thế này tạo áp lực lên phần xương khớp ở giữa xương chậu và lưng dưới. Ngồi quá lâu ở tư thế này có thể khiến phần khớp bị sưng, gây đau cột sống thắt lưng ở người trẻ.
7/ Xoay, vặn lưng quá mạnh hoặc đột ngột
Việc xoay, vặn lưng quá mạnh hoặc đột ngột cũng là một trong những thói quen xấu làm ảnh hưởng đến cấu trúc sụn khớp và dây chằng xung quanh vùng lưng, gia tăng nguy cơ bị thoát vị đĩa đệm, chèn ép lên dây thần kinh gây đau nhức.
8/ Làm việc quá sức
Làm việc nặng nhọc thường xuyên, khuân vác vật nặng trên lưng quá nhiều mà không có chế độ nghỉ ngơi hợp lý sẽ khiến cột sống chịu áp lực lớn, bị yếu dần, dẫn đến thoái hóa. Ngoài ra, hoạt động mạnh còn rất dễ dẫn đến những tai nạn, chấn thương và gây ra những tổn thương cho cơ xương khớp ở vùng lưng, gây ra tình trạng đau cột sống thắt lưng ở người trẻ tuổi.
9/ Ăn uống không kiểm soát
Người trẻ tuổi thường có tâm lý tham công tiếc việc, ỷ y vào sức khỏe nên không quan tâm đến chế độ dinh dưỡng. Ăn uống nhiều thức ăn nhanh, đồ cay nóng, chiên xào, sử dụng nhiều chất kích thích như thuốc lá, rượu bia cũng sẽ gây đau nhức cột sống thường xuyên.
Xương khớp không được cung cấp đủ dưỡng chất mà còn tích tụ thêm những chất độc hại sẽ dần trở nên suy yếu. Ăn uống không kiểm soát khiến cơ thể tăng cân nhanh cũng gây áp lực lớn lên hệ xương khớp và cột sống thắt lưng.
Phòng tránh tình trạng đau cột sống thắt lưng ở người trẻ
1/ Loại bỏ thói quen xấu
Một số thói quen xấu nên thay đổi để phòng ngừa tình trạng đau cột sống thắt lưng ở người trẻ có thể kể đến như:
- Lựa chọn những đôi giày cao gót có chiều cao vừa phải, và chỉ đi khi thực sự cần thiết hoặc trong những dịp quan trọng.
- Luôn ngồi thẳng lưng, giữ 2 bàn chân chạm đất và đầu gối vuông góc với sàn.
- Sau 30-45 ngồi làm việc nên đứng dậy đi lại hoặc thay đổi tư thế.
- Gối đầu vừa phải, hạn chế việc nằm đọc sách hoặc bấm điện thoại.
- Lựa chọn các loại quần áo vừa vặn, thoải mái và hợp thời trang.
- Thay đệm nằm sau khi đã quá 10 năm sử dụng, ưu tiên chọn loại đệm có độ đàn hồi, bền chắc.
2/ Chế độ dinh dưỡng khoa học
Chế độ dinh dưỡng khoa học chẳng những giúp bạn luôn khỏe mạnh mà còn ngăn ngừa được rất nhiều bệnh tật nguy hiểm. Muốn phòng tránh bệnh đau cột sống thắt lưng, bạn nên bổ sung các loại thực phẩm giàu canxi và vitamin D, có lợi cho xương khớp, giúp nuôi dưỡng hệ xương khớp chắc khỏe, dẻo dai. Ngoài ra, việc duy trì một chế độ dinh dưỡng khoa học còn giúp bạn ổn định cân nặng, giảm áp lực lên hệ xương khớp.
3/ Tăng cường tập thể dục thể thao
Đừng để đến khi cơ thể lên tiếng thì mới tìm cách điều trị. Hãy phòng ngừa ngay từ hôm nay bằng việc luyện tập thể dục thể thao điều độ với các môn phù hợp như chạy bộ, yoga, bơi lội, tập gym,…Các hoạt động này chẳng những giúp tinh thần minh mẫn, phấn chấn mà còn rất tốt cho hệ xương khớp.
Đừng xem thường tình trạng đau cột sống thắt lưng ở người trẻ bởi chúng sẽ gây ra rất nhiều biến chứng nguy hiểm. Đừng để tuổi chỉ mới đôi mươi nhưng sở hữu hệ xương khớp của U70, U80 nhé! Tập luyện thể dục thể thao, thay đổi thói quen sinh hoạt ngay hôm nay để cảm nhận những điều tích cực sẽ đến!
>>> Xem ngay: 5 căn bệnh về xương khớp phổ biến, người trẻ và người làm văn phòng